Bóng đá
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bóng đá, còn gọi là túc cầu, là môn thể thao đồng đội chơi giữa hai đội, mỗi đội có 11 cầu thủ. Trò chơi dùng quả bóng chơi trên sân cỏ hình chữ nhật với hai khung thành ở hai đầu sân. Mục tiêu của trò chơi là ghi điểm bằng cách đưa bóng vào khung thành của đội đối địch. Ngoài thủ môn, các cầu thủ không được cố ý dùng tay hoặc cánh tay để chơi bóng. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều điểm hơn khi kết thúc trận đấu.
Bóng đá được chơi ở đẳng cấp chuyên nghiệp trên thế giới. Hàng triệu người đến sân vận động để xem các trận bóng có đội mà họ yêu thích, và hàng triệu người không thể đến sân vận động thì phải xem qua tivi. Ngoài ra, còn rất nhiều người chơi môn thể thao này ở đẳng cấp nghiệp dư.
Theo một cuộc khảo sát của FIFA, một tổ chức quản lý bóng đá, công bố năm 2001, có hơn 240 triệu người thường chơi bóng đá ở hơn 200 quốc gia trên thế giới. Luật chơi đơn giản và dụng cụ thi đấu ít tốn kém dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của trò chơi này. Ở nhiều nước, bóng đá có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người hâm mộ, trong cộng đồng địa phương hay cả quốc gia; do đó có thể nói đây là môn thể thao phổ biến nhất thế giới.
Mục lục
|
[sửa] Bản chất của trò chơi
[sửa] Luật thi đấu
- Xem thêm tại Luật bóng đá
[sửa] Lịch sử phát triển và các phát minh
- Bóng đá do người Trung Quốc phát minh ra vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên và gọi môn thể thao này là "cuju", vốn là một bài tập luyện của quân đội nhà Hán thời đó. Các binh sĩ tranh giành nhau trái bóng bằng da, tìm cách sút vào cầu môn làm bằng vải lụa có khoét lỗ. Mãi đến năm 2004, FIFA mới chính thức công nhận Trung Quốc là "cái nôi" của bóng đá.
- Nước Anh trong suốt thời gian dài vốn được mệnh danh là "quê hương của bóng đá", trên thực tế đã đóng vai trò mấu chốt trong việc tôn vinh và phát triển môn thể thao này.
- Để phục vụ cho các trận cầu, người Trung Quốc cổ đã biết chế quả bóng đá bằng da. Trái bóng được làm đầy bằng lông hoặc tóc.
- Bóng hơi lần đầu lại xuất hiện tại Hy Lạp, được thổi căng với lớp bọc bằng da lợn hoặc da hươu.
- Năm 1844, nhà khoa học người Mỹ Charles Goodyear mới phát minh ra cách lưu hoá cao su Ấn Độ. Nhờ đó, trái bóng mới bắt đầu được tạo ra với hai lớp vỏ bọc.
- Năm 1886, nước Anh phát minh ra van và bơm hơi.
- Năm 1970 quả bóng đen trắng ngày nay với lớp vỏ sáu góc là một phát minh của Đức.
- Mỹ đóng góp hai cải tiến lớn với trái bóng vỏ bọc nhiều lớp và chức năng tự làm căng, bằng cách gắn trực tiếp một cái bơm tự động.
- Năm 2003, trái bóng với biệt danh "trái bóng thông minh" có khả năng phát sóng định vị được đăng ký bản quyền phát minh ở Đức.
- Năm 1860, chiếc còi đồng được phát minh vào cuối những vốn được sản xuất để phục vụ cho cảnh sát Anh và ngay năm 1878 được sử dụng lần đầu tiên trong trận đấu của đội bóng Nottingham Forest. Còi đồng sau đó nhanh chóng được cải tiến với âm thanh cao và rung hơn.
- Thẻ vàng, thẻ đỏ (xem quy định về thẻ tại đây) được sử dụng lần đầu tiên tại Giải vô địch bóng đá thế giới 1970 sau vụ náo động tại trận đấu giữa Argentina và Anh tại Giải vô địch bóng đá thế giới 1966.
- Không có một tài liệu lịch sử nào cho thấy cầu môn đã được phát minh như thế nào và bản quyền thuộc về ai. Cầu môn được sử dụng để giúp trọng tài xác nhận những bàn thắng. Một bàn thắng chỉ được ghi khi trái bóng đã đi qua vạch vôi và nằm ở giữa khoảng không gian được tạo bởi hai cột dọc và xà ngang. Điều thú vị là luật bóng đá thế giới hiện nay không ép buộc cầu môn phải có lưới. Tuy vậy hình ảnh trái bóng làm tung lưới đã trở thành một điều đương nhiên đối với người hâm mộ thế giới.
- Năm 1988, Tây Ban Nha phát minh ra cầu môn có gắn camera.
- Năm 2003, vòm cầu môn nhấp nháy khi bàn thắng được ghi đã xuất hiện tại Đức.
- Giữa thế kỷ 19, bóng đá trở thành môn thể thao chính thức tại các trường học ở Anh. Để tạo sự khác biệt với bóng đá nghiệp dư, các học sinh Anh mang những chiếc giày với đế gắn đinh. Những cố gắng phát triển nguyên liệu mới đã giúp giày thi đấu trở nên nhẹ nhàng và thoải mái cho cầu thủ. Bên cạnh đó là sự cải tiến trong xử lý cấu trúc bề mặt giúp chống trơn trượt khi giày tiếp xúc với trái bóng trong điều kiện thời tiết hay mặt sân ẩm ướt. Tại đây xuất hiện một ý tưởng độc đáo từ Đức khi sử dụng nguyên liệu thiên nhiên là da cá sụn
[sửa] Tổng quan về luật thi đấu
Có tất cả 17 điều luật trong Luật bóng đá chính thức. Luật này được thiết kế để áp dụng cho tất cả đẳng cấp bóng đá, mặc dù nó cho phép các liên đoàn bóng đá quốc gia được phép thay đổi để phù hợp với các giải trẻ, không chuyên nghiệp, nữ... Thông thường, luật chỉ là một khung cho phép thay đổi linh hoạt tùy vào đặc điểm trận đấu. Ngoài 17 điều luật, nhiều quyết định của IFAB và các chỉ dẫn cũng được đóng góp vào luật bóng đá. Luật bóng đá có thể xem tại trang chủ của FIFA.
[sửa] Cầu thủ và dụng cụ thi đấu
Mỗi đội bóng đá có 11 cầu thủ (không kể các cầu thủ dự bị), trong đó có một thủ môn. Luật thi đấu bắt buộc phải có ít nhất 7 cầu thủ cho một đội bóng. Có nhiều vị trí trên sân mà các cầu thủ được sắp xếp tùy theo chiến thuật của huấn luyện viên. Các vị trí này không được định nghĩa cũng như không bắt buộc trong các điều luật.
Phải có một cầu thủ trong mỗi đội giữ nhiệm vụ thủ môn. Thủ môn là người duy nhất trong đội được phép chơi bóng bằng tay, nhưng chỉ được chơi trong vùng cấm địa (hay còn gọi là khu vực 16m50) phía trước khung thành của đội.
Dụng cụ cơ bản cho các cầu thủ bao gồm áo, quần, vớ, giày và các dụng cụ bảo vệ cẳng chân. Cầu thủ không được phép mặc, đeo hoặc dùng các dụng cụ có thể gây nguy hiểm cho cầu thủ đó và các cầu thủ khác (bao gồm đồ trang sức và đồng hồ đeo tay).
Một số cầu thủ được thay bởi các cầu thủ dự bị khi trận đấu đang diễn ra. Số lượng cầu thủ được thay thế tối đa trong các giải quốc tế và quốc gia là 3 người, và có thể thay đổi trong các giải khác. Lý do thay thế cầu thủ thường là do chấn thương, mệt mỏi, chơi không hiệu quả, thay đổi chiến thuật hoặc kéo dài thời gian cuối trận đấu. Trong các trận đấu bình thường của người lớn, cầu thủ đã được thay ra sẽ không được thay trở lại trong trận đấu đó.
[sửa] Người điều khiển
Trận đấu được điều khiển bởi trọng tài, người có toàn quyền thi hành các luật bóng đá đối với các vấn đề trong trận đấu, và là người ra quyết định cuối cùng đối với các sự kiện trên sân. Trọng tài được hỗ trợ bởi hai trọng tài phụ (thường được gọi là trọng tài biên). Trong nhiều trận đẳng cấp cao có thể có thêm trọng tài bàn, người hỗ trợ trọng tài chính và có thể thay thế các trọng tài nếu cần thiết.
[sửa] Sân thi đấu
- Bài chính: Sân bóng đá
Chiều dài của sân cho trận đấu người lớn quốc tế phải dài 90-120 m và chiều rộng phải rộng 45-90 m. Sân phải có hình chữ nhật, các đường biên phải lớn hơn chiều rộng của sân.
Các đường biên dài hơn gọi là đường biên dọc, các đường ngắn hơn (các đường có chứa khung thành) gọi là đường biên ngang. Các khung thành nằm ở trên các đường biên ngang. Chiều rộng khung thành tính từ mép trong của các cột dọc là 7,32 m (8 yard), và chiều cao khung thành tính từ mặt đất đến mép dưới của xà ngang là 2,44 m (8 feet). Lưới thường đặt phía sau khung thành, nhưng luật không yêu cầu phải có.
Phía trước của mỗi khung thành là một vùng được gọi là vùng cấm địa (hay còn gọi là "khu vực đá phạt", "khu vực 16m50"). Khu vực này giới hạn bởi đường biên ngang trước khung thành, hai đoạn thẳng dài 16,50 m (18 yard) bắt đầu từ đường biên ngang, cách khung thành 16,50 m về mỗi bên và đoạn thẳng song song khung thành, cách khung thành 16,50 m. Khu vực này có nhiều chức năng quan trọng. Quan trọng nhất là thủ môn được phép dùng tay chơi bóng trong khu vực này và khi cầu thủ phạm lỗi trong khu vực này thì sẽ bị phạt đền penalty.
[sửa] Thời gian thi đấu
[sửa] Thời gian tiêu chuẩn
Thời gian tiêu chuẩn cho trận bóng đá nam người lớn gồm hai giai hiệp, mỗi hiệp 45 phút. Giữa hai hiệp thường giải lao 15 phút.
Đối với các trận đấu của nữ hoặc các giải trẻ thì thời gian có thể ít hơn.
[sửa] Thời gian cộng thêm
Trọng tài là người đếm thời gian chính thức của trận đấu, và trọng tài có quyền cộng thêm thời gian bị mất do thay người, cầu thủ bị chấn thương cần săn sóc, nhắc nhở hoặc phạt, thời gian lãn phí... Khi cộng thêm thời gian bị mất, trọng tài thường gọi đó là "thời gian cộng thêm". Lượng thời gian cộng thêm tùy thuộc vào trọng tài, và trọng tài là người ra hiệu kết thúc trận đấu. Không có người đếm thời gian khác, kể cả trọng tài bàn khi đưa đồng hồ báo thời gian cộng thêm, đó chỉ là một ý kiến khác về thời gian cộng thêm. Trong trận đấu có trọng tài bàn, khi gần kết thúc trận đấu, trọng tài bàn sẽ báo hiệu thời gian cộng thêm cho các cầu thủ và những người khác bằng cách giơ bảng thông báo.
[sửa] Hiệp phụ và đá luân lưu
Sau khi hai đội kết thúc 90 phút thi đấu chính thức với tỉ số hoà, hai đội sẽ bước vào thi đấu hai hiệp phụ với mỗi hiệp 15 phút. Trong hiệp phụ, sẽ được áp dụng luật bàn thắng vàng hay bàn thắng bạc. Nếu sau hai hiệp phụ, hai đội vẫn bất phân thắng bại thì sẽ đá luân lưu. (Tùy giải quy định mà không có hiệp phụ mà hai đội đá luân lưu sau hai hiệp chính thức) Trong luợt đá luân lưu, từng đội sẽ thay phiên nhau đá từng lượt cho đủ 5 lượt cho đến khi tỉ số nghiêng về 1 đội nào đó. Nếu sau 5 lượt mà vẫn không xác định được thắng thua, hai đội sẽ đá luợt thứ 6. Trong bất cứ lượt nào từ lượt này, đội nào để cho đội kia đá thành công còn đội mình thì không, trận đấu sẽ chính thức chấm dứt.
[sửa] Luật bàn thắng vàng và bàn thắng bạc
- Bài chính: Bàn thắng vàng & Bàn thắng bạc
Vào cuối thập kỷ 1990, luật bàn thắng vàng được đưa ra nhằm kết thúc nhanh chóng các trận đấu phải bước vào hiệp phụ. Theo luật này thì trong hiệp phụ, đội nào ghi bàn trước sẽ chiến thắng. Đến năm 2003, UEFA lại thử nghiệm luật bàn thắng bạc. Theo đó, khi kết thúc hiệp phụ thứ nhất, đội nào dẫn điểm trước sẽ chiến thắng.
Cả hai luật này đều không còn được áp dụng sau một quy định của FIFA năm 2004.
[sửa] Bắt đầu trận đấu và đá phạt
[sửa] Phạm lỗi và chơi xấu
[sửa] Việt vị
- Bài chính: Luật việt vị (bóng đá)
Luật việt vị giới hạn khả năng tấn công của cầu thủ còn ở phía trên (nghĩa là gần với cầu môn của đối thủ) của cả bóng và cầu thủ ở dưới cùng của đối thủ. Mục đích của luật này thường được gọi là để chống lại "ăn cắp trứng gà", nhưng thực tế, luật việt vị có nguồn gốc giống như luật việt vị trong môn rugby. Chi tiết về luật và cách vận dụng của luật này rất phức tạp, thường gây tranh cãi. Thông tin thêm về luật này, xin tham khảo thêm bài chính của nó.
[sửa] Các tổ chức
Tổ chức điều hành và quản lý bóng đá toàn thế giới là Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). FIFA đặt trụ sở ở Zurich, Thụy Sĩ.
Có sáu liên đoàn bóng đá châu lục trực thuộc FIFA bao gồm:
- Châu Á: Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC)
- Châu Âu: Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA)
- Châu Đại Dương: Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương (OFC)
- Bắc, Trung Mỹ và Caribe: Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF)
- Nam Mỹ: Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL)
- châu Phi: Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF)
[sửa] Các giải đấu quốc tế chính
[sửa] Các giải đấu thế giới
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều giải đấu khác nhau, kể cả cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.
[sửa] World Cup
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, có thể kể đến giải FIFA World Cup của FIFA được tổ chức 4 năm một lần, đây là giải đấu lớn nhất hành tinh ở cấp đội tuyển. Mỗi lần tổ chức đều có một nước chủ nhà (nước đứng ra tổ chức do FIFA chọn), trừ World Cup 2002 được tổ chức tại hai nước là Nhật và Hàn Quốc. Gần đây, ở mỗi kỳ World Cup có 32 đội bóng tranh tài để dành chiếc cúp Vàng. Để được có mặt tại đây, mỗi đội tuyển quốc gia phải trải qua vòng đá loại được chia thành nhiều vòng khác nhau và nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Sau mỗi vòng đấu loại ấy, tùy theo quy định của FIFA mà mỗi khu vực có số đội tham gia khác nhau.
[sửa] Euro
EURO là giải vô địch châu Âu do Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tổ chức. Euro được tổ chức 4 năm một lần, cũng có đội chủ nhà và vòng đấu loại giống như World Cup (nhưng chỉ trong khu vực châu Âu), và 16 đội vượt qua vòng loại tranh tài tại vòng chung kết.
[sửa] Các giải khác
Các giải vô địch bóng đá cấp châu lục khác như giải vô địch bóng đá châu Phi (CAN), Nam Mỹ (Copa América), châu Á (Asian Cup), châu Đại Dương (Ocean Cup) và Bắc, Trung Mỹ và Caribe (Gold Cup).
[sửa] Các giải cấp câu lạc bộ
Ở cấp độ câu lạc bộ, hầu như mỗi nước đều có giải riêng cho câu lạc bộ trong nước của mình như Giải vô địch bóng đá ngoại hạng (Premier League) ở Anh, Seria A ở Ý hay La Liga ở Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có các giải đấu quốc tế như UEFA Champions League, giải vô địch bóng đá thế giới các câu lạc bộ (FIFA Club World Championship) và các giải đấu khác ở châu Á, châu Phi...
[sửa] Các giải đấu quốc tế chính
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
- Quê hương của bóng đá
- Federation Internationale de Football Association (FIFA)
- Asian Football Confederation (AFC)
- Confederation of African Football (CAF)
- Confederation of North, Central American and Caribbean Association Football (CONCACAF)
- Union of European Football Associations (UEFA)
- South American Football Confederation (CONMEBOL)
- Oceania Football Confederation (OFC)
- Luật bóng đá (LOTG)
- The Rec.Sport.Soccer Statistics Foundation (RSSSF)
- Association of Football Statisticians (AFS)
- Economics of Football - Literature Review (PDF)