Hoàng Việt
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hoàng Việt (28 tháng 2, 1928– 31 tháng 12 1967) là một nhạc sĩ Việt Nam, người mà tên tuổi đã đi vào nền tân nhạc với tác phẩm Tình ca.
Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực. Ông là một trong những nhạc sĩ đi đầu trong việc phát triển nhạc giao hưởng của Việt Nam với Bản giao hưởng số 1: Quê hương. Bản giao hưởng được sáng tác trong thập niên 1960 sau khi nhạc sĩ đi học ở Bulgaria. Ông còn bút danh khác là Lê Trực, nổi tiếng với bài Tiếng còi trong sương đêm.
Trong những ngày Nam Bộ kháng chiến, ông mang theo bài hát từ Sài Gòn ra chiến khu, song bị nghi là "phản động". Ông bị bắt giam và đưa đi lao động cải tạo 3 tháng. May nhờ có người bão lãnh nên sau đó ông được tha, về làm việc tại tổ quân nhạc. Đó cũng là thời gian ông lấy bút danh Hoàng Việt Hận để sáng tác.
Sau này ông mới bỏ chữ "hận", giữ lại tên Hoàng Việt.
Khi tập kết ra Bắc, ông học ở Trường Âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên. Ông viết Tình ca từ những dòng tâm huyết gửi lại cho vợ ngày chia tay ở Cà Mau.
Tuy nhiên bài hát còn có số phận khá long đong. Khi ca sĩ Quốc Hương trình diễn Tình ca lần đầu tiên ở Hà Nội năm 1957, một số nhạc sĩ và lãnh đạo cho rằng bài hát bi lụy, yếu đuối. Tình ca vì vậy bị xếp lại, đến sau 1967 mới dần dần được hát. Từ đó ông ngừng sáng tác một thời gian dài.
Sau đó nhạc sĩ Hoàng Việt đi học Bulgaria. Khi về nước ông sáng tác giao hưởng Quê hương, rồi vào chiến trường miền Nam. Ông tử trận cuối năm 1967.
[sửa] Một số tác phẩm nổi tiếng
- Tiếng còi trong sương đêm
- Lá xanh
- Lên ngàn
- Nhạc rừng
- Tình ca
Ngoài ra có: Mùa lúa chín, ...
[sửa] Liên kết ngoài
- Một số nhạc phẩm của Hoàng Việt
- Một thời "nhạy cảm" với ca từ , Nguyễn Thụy Kha, 2005