Lý Tư
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lý Tư (李斯) là thừa tướng dưới đời Tần Thủy Hoàng. Ông là người có công lớn trong việc Tần Thủy Hoàng thống nhất chư hầu, đưa Trung Quốc trở thành một nước phong kiến tập quyền, thống nhất về văn tự, đo lường, tư tưởng.
Mục lục |
[sửa] Xuất thân
Lý Tư là người đất Thượng Sái thuộc nước Sở. Ông được sinh vào thời Chiến quốc, "bảy nước tranh hùng". Năm sinh hiện không rõ vì sử sách không thấy ghi, nhưng ông và Hàn Phi đều là học sinh của Tuân Huống, tuổi xấp xỉ nhau. Hàn Phi thì sinh năm 280 TCN. Lúc còn ít tuổi, Tư làm viên lại nhỏ ở quận, là thư ký quản lý văn thư của xã. Đây là một việc trái với lý tưởng và lòng mong muốn khiến Lý Tư hết sức bất mãn. Ông không bằng lòng với kiếp "áo vải", quyết tâm thoát khỏi nghèo hèn. Tư đến Tam Lăng (ngày nay là thị trấn Tam Lăng, huyện Thương Sơn, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) theo học Tuân Huống. Tuân Huống là một thầy giáo Nho học, trong sử sách còn gọi ông là Tuân Khanh, hoặc Tôn Khanh, Tuân Tử. Đến khi thành tài, Tư nhận thấy mình có theo vua Sở cũng không làm nên sự nghiệp gì, mà sáu nước đều yếu không có nước nào có thể giúp để lập công danh, chỉ có Tần cường thịnh nhất, nên Tư sang Tần. Tài năng của Lý Tư có nhiều mặt, không những về chính trị mà về văn học nghệ thuật ông cũng có tài hoa nhất định. Lỗ Tấn đã từng khen rằng "Văn chương đời Tần chỉ có mỗi mình Lý Tư". Về tính cách, Lý Tư có một chút tự phụ, đó là do người ta dựa vào "Tấm đá khắc chữ trên đài lang Nha" đời Tần có nét bút viết của ông :"Sau khi ta chết khoảng 530 năm có người nào thay được ta". Nhưng làm chính trị mới là niềm đam mê thực sự của ông.
[sửa] Lập sự nghiệp
Vào năm 147 TCN, khi đến nước Tần, gặp lúc Trang Tương Vương chết, Lý Tư bèn cầu xin làm môn hạ của Văn Tín Hầu Lã Bất Vi, thừa tướng nước Tần. Bất Vi cho là người hiền dùng làm quan "Lang". Lý Tư nhờ vậy có cơ hội du thuyết, Vua Tần Thủy Hoàng cho Tư làm trưởng sử, rồi khách khanh. Trong số 3000 người "khách" của Lã Bất Vi, Lý Tư nhanh chóng trở thành người nổi trội nhất.
Nhưng lúc Lý Tư đang thuận buồm xuôi gió trên con đường làm quan thì nước Tần có manh nha nguy cơ chính trị "trục khách" nghiêm trọng. Năm 246 TCN, nước Hàn do không chống nổi sự tiến công của nước Tần, nên đã lập kế phái "thủy công" (tức là các chuyên gia thủy lợi) của nước Trịnh đến Tần. Trịnh Quốc người nước Hàn đã đến để can vua Tần đừng đào sông tưới ruộng [1], sau đó việc vỡ lở, các tôn thất và các quan đại thần khuyên Tần Vương đuổi tất cả những người khách đi. Lý Tư cũng ở trong số khách bị đuổi. Tư trổ tài thuyết khách, khiến Vua Tần bỏ lệnh đuổi khách, cho Tư làm quan như cũ. Đây là "phong trào trục khách" lần thứ nhất. Lúc này Lý Tư còn trẻ, mới bước vào đời, chức quan chưa cao, chưa có địa vị chính trị. Việc "trục khách" lần này đối với Lý Tư chỉ là chấn động nhỏ, lắng xuống rất nhanh. Nhưng lần "trục khách" thứ hai của Tần Vương Chính không giống như thế.
Vào năm thứ 9 đời Thủy Hoàng, Tần Vương đã hạ lệnh bãi chức Lã Bất Vi và giam giữ tại Hà Nam. Đại thần, tôn thất nhà Tần thừa cơ nhắc lại chuyện cũ, yêu cầu "trục khách". Vua Tần chính thức ban bố lệnh rà soát cả nước và Lý Tư lúc bấy giờ cũng là một đối tượng quan trọng bị trục xuất. ông đã viết thư trình lên vua Tần, đó là "Gián trục khách thư". Về nghệ thuật mà nói, bài văn này có thể đại diện cho các tác phẩm ưu tú của văn chương đời Tần. Lúc bấy giờ, Tần Vương Chính còn tỉnh táo, đọc xong thư của Lý Tư tỉnh ngộ, lập tức bỏ lệnh "trục khách", cử người đuổi theo Lý Tư, mời ông quay lại.
Thời gian biến đổi, khi Lý Tư nắm dược quyền thế trong tay, lại có thay đổi về nhân cách, luôn chạy theo tư lợi. Một khi tài năng và học vấn của người khác có thể uy hiếp ông ta thì dù nhân tài nào đi nữa, ông đều không cộng tác, dùng nhiều âm mưu quỷ kế để cho kẻ khác nhanh chóng bị tiêu diệt. Tuy Hàn Phi là người bạn học cũ của ông, nhưng do Hàn Phi sau này được là người tâm phúc bên cạnh vua Tần, nên đã bị Lý Tư hại. Đây là bi kịch lịch sử của thời đại.
[sửa] Thừa tướng
Tư làm quan đến đình úy. Được hơn 20 năm, nước Tần thôn tính hết các nước chư hầu, thống nhẩt Trung Quốc. Tần Vương thành hoàng đế, phong Tư làm thừa tướng. Nghe theo ý của Lý Tư, Tần Thủy Hoàng không phong đất, lập vương, thống nhất về chính trị. Tư cũng khuyên Thủy Hoàng đốt hết sách vở, chỉ để lại sách thuốc, sách bói, sách trồng cây, tránh chuyện dùng việc xưa để xét đời nay. Nhà Tần cũng thống nhất về mặt chữ viết, đo lường.
Tháng 10 năm thứ 37 đời Thủy Hoàng (210 TCN), Tần Vương đi chơi Cối Kê, dọc bờ biển, phía Bắc đến Lang Gia. Đi theo có thừa tướng Lý Tư và trung xa phủ lệnh kiêm chức giữ phù, ấn nhà vua là Triệu Cao, một hoạn quan và con nhỏ của Thủy Hoàng là Hồ Hợi. Thủy Hoàng có hơn hai mươi người con. Con cả là Phù Tô vì mấy lần can thẳng nên Tần Vương sai coi binh ở Thượng Quận, cùng Mông Điềm làm tướng ở đấy.
[sửa] Cái chết
Tháng 7 năm ấy, Thủy Hoàng đến Sa Khâu bị bệnh nặng, sai Triệu Cao viết một bức thư gửi cho công tử Phù Tô nói: "Giao binh cho Mông Điềm, mau về lo việc tang đưa về Hàm Dương để chôn". Bức thư đã dán rồi nhưng chưa trao cho sứ giả thì Thủy Hoàng mất. Thư và ấn đều ở chỗ Triệu Cao. Chỉ Hồ Hợi, Lý Tư, Triệu Cao và năm sáu viên hoạn quan được nhà vua yêu biết là Thủy Hoàng đã chết, còn quần thần không ai biết. Lý Tư cho là vua mất ở ngoài, không có thái tử chân chính, nên giấu kín việc ấy. Sai đặt Thủy Hoàng trong cái xe mát, trăm quan vẫn tâu trình, việc dâng đồ ăn như mọi ngày. Một viên hoạn quan ngồi trong xe chuẩn y lời tâu. Triệu Cao nhân đấy giữ lại bức thư gửi cho Phù Tô thuyết phục Hồ Hợi và Lý Tư bỏ Phù Tô, lập Hồ Hợi làm hoàng đế. Hồ Hợi và Lý Tư nghe theo, lập ra di chúc giả. Triệu Cao giả một bức thư gửi cho Phù Tô. Phù Tô nhận thư tưởng Thủy Hoàng trách tội nên tự vẫn.
Thái tử Hồ Hợi lên nối nghiệp làm Nhị Thế Hoàng Đế. Tháng 9, chôn Thuỷ Hoàng ở Ly Sơn, cùng tất của những người trong hậu cung Tần Thủy Hoàng. Nhị Thế giết bọn đại thần Mông Nghị, mười hai công tử bị giết chết phơi thây ở chợ Hàm Dương, mười công chúa bị xé xác ở đất Đỗ, của cải của họ bị đưa vào kho vua, những người liên can bị tội không kể xiết.
Nhị Thế bạo ngược, đắm chìm trong tửu sắc, Trần Thắng, Ngô Quảng ở nước Sở nổi loạn, tự xưng vương chống lại, đánh đến Hồng Môn rồi rút lui. Lý Tư mấy lần can ngăn nhưng Nhị Thế không nghe. Lại thêm con cả của Lý Tư là Lý Do bị Triệu Cao tìm cớ lập án. Lý Tư lúc bấy giờ chỉ lo bảo vệ quyền lợi bổng lộc, trí thông minh ngày xưa đâu mất, đành khoanh tay và nịnh bợ vua để được chú ý, nên đã dâng nhiều tờ trình, văn bản tán dương vua như :"Nghiêm đốc trách thư", "Hiền minh tri chủ", "Độc chế thiên hạ nhi vô sở chế". Nghe theo lời Lý Tư, Nhị Thế thi hành "đốc trách", sử dụng hình phạt nặng nề.
Triệu Cao làm lang trung lệnh, tiếm quyền Nhị thế nhưng chưa diệt được Lý Tư nên lòng vẫn chưa yên. Cao vu cho Lý Tư làm phản. Lý Tư và con trai Lý Do phải chịu 5 cực hình và cùng ba họ bị giết, bêu đầu tại cổng thành. Ông bị tử hình vào năm 208 TCN, lúc đó ông khoảng hơn 60 tuổi. Cả một đời làm danh tướng mà đến cuối đời, Tư đã phải bị chết thảm thương dưới lưỡi dao của đao phủ.
Một năm sau khi Lý Tư chết, Triệu Cao ép Nhị Thế tự vẫn [2]. Vua Tần Tử Anh lên ngôi, giết Triệu Cao, rồi Lưu Bang tiến quân vào Tần, bắt Tử Anh, về sau Tử Anh lại bị giết bởi Hạng Vũ. Triều Tần bị diệt vong, việc giết Lý Tư đã đẩy nhanh nước Tần đến tan rã.
[sửa] Đọc thêm
- Tần Thủy Hoàng
- Hàn Phi
- Văn Thiên Tường
- Gia Cát Lượng
- Triệu Cao
[sửa] Chú thích
- ▲ Trịnh Quốc nói rằng việc này tốn kém, thực ra rất có lợi cho Tần
- ▲ Đoạn này Sử ký Tư Mã Thiên trong Tần Thủy Hoàng bản kỷ và Lý Tư liệt truyện chép có vài chi tiết mâu thuẫn
[sửa] Liên kết ngoài
Trước: Lã Bất Vi |
Prime Minister of Qin 246 TCN–203 TCN |
Sau: Triệu Cao |