Năm ánh sáng
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Một năm ánh sáng (tiếng Anh: light-year; viết tắt là ly) là một khoảng cách mà ánh sáng cần vượt qua (trong chân không) trong một năm Juliêng (365,25 ngày, mỗi ngày 86400 giây).
Vì vận tốc ánh sáng trong chân không chính xác bằng 299 792 458 m/s, một năm ánh sáng chính xác bằng 9 460 730 472 580 800 m.
Năm ánh sáng thường được dùng để chỉ khoảng cách giữa các vì sao. Năm ánh sáng không phải là đơn vị đo thời gian. Trong thiên văn học, các nhà thiên văn có thể thích dùng parsec vì nó dễ sử dụng hơn với các số liệu đo đạc.
Một số đơn vị đo chiều dài liên quan đến năm ánh sáng là phút ánh sáng và giây ánh sáng, khoảng cách mà ánh sáng đi được (trong chân không) trong một phút và một giây. Một phút ánh sáng bằng 17 987 547 480 mét và một giây ánh sáng bằng 299 792 458 mét. Phút ánh sáng và giây ánh sáng được sử dụng vì chúng có độ lớn vào cỡ khoảng cách giữa các hành tinh trong hệ Mặt Trời.
[sửa] Các so sánh
- 1 năm ánh sáng ≈ 9,46 pêtamét
- 1 parsec = 3,26 năm ánh sáng
- 1 năm ánh sáng = 63 241 đơn vị thiên văn
- Khoảng cách Trái Đất và Mặt Trời là 8,3 phút ánh sáng
- Sao gần nhất, sao Proxima Centauri (Cận tinh), cách chúng ta 4,22 năm ánh sáng.
- Thiên hà của chúng ta, Ngân Hà, có bề ngang khoảng 100 000 năm ánh sáng.
- Vũ trụ mà ta quan sát thấy được có bán kính khoảng 13,7 tỷ năm ánh sáng (khoảng 130 yôtamét). Cứ mỗi giây trôi qua, bán kính này lớn thêm khoảng một giây ánh sáng.